Nhiều tổ hợp “lạ” xuất hiện trong kỳ thi tuyển sinh 2018 (Nguồn: Pháp luật & Dân sinh)
Trong mùa thi tuyển sinh 2018, số lượng tổ hợp môn thi tuyển sinh được thống kê lên đến 199. Nhưng điều khiến không ít người băn khoăn và lo lắng không nằm ở số lượng tổ hợp, mà là việc các tổ hợp ấy được dùng để xét tuyển nhiều ngành có vẻ không liên quan. Vậy đâu là câu trả lời phù hợp cho vấn đề gây tranh cãi này?
Chương trình "VÌ 1 TRIỆU NGƯỜI VIỆT TỰ TIN GIAO TIẾP TIẾNG ANH". Edu2Review tặng bạn Voucher khuyến học trị giá lên tới 500.000đ, Nhận ngay Voucher
Nhiều tổ hợp mới khiến thí sinh hoang mang
Khối C (Văn, Sử, Địa) vốn là một khối để xét tuyển trường có các ngành nghề khoa học xã hội. Tuy nhiên, sau khi đề án tuyển sinh đại học 2018 chính thức được phê duyệt, không ít thí sinh tỏ ra bất ngờ khi một số trường sử dụng khối C và các tổ hợp phát sinh từ khối C để xét tuyển cả những ngành thuộc khối kinh tế, kỹ thuật.
Cụ thể, ở trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, khối C và khối C19 (Văn, Sử, Công dân) được sử dụng xét tuyển cho các ngành như Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh…
Thí sinh trong kỳ thi THPT 2017 (Nguồn: Pháp luật & Dân sinh)
Ở ngành Công nghệ thông tin, bên cạnh tổ hợp các môn Toán, Lý, Hóa và Toán, Lý, Địa, trường còn sử dụng hai tổ hợp môn Văn, Sử, Địa và Văn, Địa, Giáo dục công dân để xét tuyển. Các ngành Sức khỏe cũng bất ngờ xét tuyển hai môn Văn và Sử trong hai tổ hợp Văn, Sinh, Sử và Toán, Văn, Tiếng Anh.
Điều gây bất ngờ là một số trường tuyển sinh ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất bằng các tổ hợp không có môn năng khiếu. Ví dụ, trường Đại học Công nghệ TP HCM xét tuyển các tổ hợp Toán, Lý, Hóa và Toán, Văn, Anh cho hai ngành trên song song các tổ hợp có môn thi năng khiếu.
Có nên ủng hộ xét tuyển bằng những tổ hợp “lạ”?
Việc nhiều trường công bố xét tuyển bằng những tổ hợp không liên quan với ngành học gây cho dư luận không ít ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến phản bác phương án này cho rằng các trường chỉ quan tâm số lượng thí sinh dự thi mà không chú trọng đến chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, phương án này đồng thời nhận không ít sự ủng hộ từ một số ban lãnh đạo của các trường Đại học uy tín.
PGS .TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP HCM bày tỏ ủng hộ cách thức tuyển sinh tổ hợp khác lạ với ngành. Ông cho biết, quy chế tuyển sinh Đại học 2018 của Bộ GD-ĐT đã cho phép nhiều trường ĐH được tự chủ tuyển sinh và bỏ quy định về điểm sàn trong xét tuyển vào các trường ĐH nên các trường hoàn toàn có lý do tuyển sinh theo tổ hợp môn thi có thể khác với ngành học.
Thí sinh tại một buổi tư vấn tuyển sinh (Nguồn: Zing News)
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trường phòng Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển là quyền tự chủ của các trường nên cách hiểu về các tổ hợp có thể không giống cách ta định nghĩa "khối A,B,C" như cũ.
Ví dụ, hai tổ hợp phát triển từ khối C là C03 (Toán, Ngữ văn, Lịch sử) và C04 (Toán, Văn, Địa lý) hoàn toàn có thể khi xét tuyển các chuyên ngành có truyền thống tuyển sinh khối A hoặc C.
Trên thực tế, học sinh THPT ở phương Tây khi nộp đơn vào ĐH không cần xét tuyển theo tổ hợp như ở Việt Nam. Dù vậy khi tốt nghiệp, phần lớn họ vẫn đủ trình độ, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nói riêng và xã hội nói chung. Vì vậy, việc khắt khe với những tổ hợp để xét tuyển vào một ngành nào đó có có thực sự cần thiết?
Việc chọn tổ hợp, ngành nghề là quyết định của thí sinh
Câu hỏi lớn nhất sinh viên tương lai cần đặt ra cho mình có lẽ không nằm ở việc thi theo tổ hợp nào. Thí sinh cần biết được, liệu ngành mình chọn có phù hợp với thế mạnh của bản thân không.
Ngay cả khi thí sinh đã chọn tổ hợp phù hợp với đặc thù ngành nào đó, việc họ sẽ cảm thấy mình chọn sai ngành trong tương lai vẫn có khả năng xảy ra. Việc chưa tìm hiểu kỹ ngành học lúc này còn quan trọng hơn việc thi theo tổ hợp nào để trúng tuyển vào ngành đó.
Thí sinh điền vào phiếu đăng ký dự thi (Nguồn: Pháp luật và Dân sinh)
Để trả lời được câu hỏi này, thí sinh sẽ phải “cắt nghĩa” thế mạnh của mình trước. Việc khám phá khả năng bản thân có thể là một quá trình từ đầu cấp 3 để các bạn hình thành định hướng tập trung vào một số môn nhất định. Trong ba năm, nếu bạn không giỏi một môn nào đó như bạn đã từng nghĩ, việc tìm môn khác thay thế hoàn toàn chấp nhận được để đảm bảo bạn đạt đủ điểm chuẩn vào trường mình chọn.
Vì vậy, việc có nhiều tổ hợp mới sẽ mở ra nhiều cơ hội trong việc chọn môn thi cho thí sinh. Điều thí sinh cần làm trước hàng loạt tổ hợp “lạ” này là hãy tỉnh táo xem xét khả năng và lường trước tương lai để có quyết định đúng đắn khi đặt bút đăng ký dự thi. Nếu chọn tổ hợp “trái ngành” hay nghề nghiệp không phù hợp, thí sinh có thể là người chịu hậu quả nặng nề nhất.
Sự xuất hiện của hàng loạt tổ hợp “lạ” trong kỳ thi tuyển sinh 2018 chắc hẳn sẽ còn gây ra nhiều tranh luận và ý kiến trái chiều. Với những thông tin trên đây, Edu2Review xin chúc bạn chọn được những môn thi phù hợp với mình nhất và đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT 2018 sắp tới nhé!
Hoàng Sơn tổng hợp
Nguồn: HCMupeda, 24h