Tiêu điểm Quốc tế học – Ngành học lạ tại Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM | Edu2Review
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
📌 Tặng bé 4-16 tuổi: Học bổng tiếng Anh đến 2 triệu + Quà tặng độc quyền!
  • Địa điểm bạn tìm?
  • Bạn muốn học?
  • Khóa học cần tìm?
TÌM TRƯỜNG
HOẶC TRA CỨU
Địa điểm bạn tìm?
    Bạn muốn học?
      Khóa học cần tìm?
      Tiêu điểm Quốc tế học – Ngành học lạ tại Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Tiêu điểm Quốc tế học – Ngành học lạ tại Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Cập nhật lúc 11/03/2020 17:14
      Điều nhiều người vẫn thắc mắc về ngành Quốc tế học của Đại học Sư Phạm TP.HCM: sinh viên sư phạm nhưng ra trường lại không làm giáo viên? Vậy ngành này học những gì? Cơ hội việc làm ra sao?

      Danh sách

      Bài viết

      Thời gian chuẩn bị cho kỳ thi THPT là lúc các sĩ tử ráo riết “truy lùng” các ngành học phù hợp với khả năng cũng như định hướng tương lai của bản thân. Để đáp ứng xu thế hội nhập hiện nay, mỗi năm đều xuất hiện nhiều ngành học mới. Tuy nhiên, có những ngành không hề mới mẻ nhưng vẫn là một ẩn số đối với những ai chưa biết.

      Ngành Quốc tế học của trường Đại học Sư Phạm TP.HCM là một minh chứng rõ ràng nhất. Với thâm niên hoạt động hơn 10 năm, ngành được “bao bọc” trong cái bóng quá lớn của trường nên chưa thực sự phổ biến và được công nhận đúng về giá trị đào tạo. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá ngành qua 5 điều thú vị dưới đây!

      * Bạn muốn tìm trường Đại học phù hợp với bản thân? ````````````````````````````````````````````````````````````````````````

      Điều 1. Thân phận “lạc trôi” trong Khoa Lịch sử

      Bạn có đang nghe nhầm không? Với tên gọi “quốc tế”, ngành lại là một thành viên trong gia đình khoa Lịch sử – khoa có truyền thống lâu đời, cổ kính nhất của trường Đại học Sư Phạm TP.HCM. Vì sự sắp đặt có phần khác lạ này, nhiều sinh viên khi mới vào khoa đã khá ngỡ ngàng và hoài nghi về sự lựa chọn của mình: “liệu mình có ngồi nhầm chỗ không?”.

      Từ ngày đầu thành lập, nhà trường và khoa đã có định hướng ngành Quốc tế học sẽ là nơi đào tạo ra những cử nhân có kiến thức học thuật bài bản để phục vụ cho công tác đối ngoại và nghiên cứu các vấn đề trong quan hệ quốc tế. Để làm được điều đó, sinh viên không thể không trang bị cho mình một nền tảng kiến thức lịch sử vững chắc hay nói cách khác là muốn kiến tạo cái mới thì phải hiểu cái cũ.

      Nhiều năm qua, đội ngũ cán bộ của ngành đã không ngừng cải tiến công tác đào tạo và mang đến những chương trình học đúng chuẩn cho những sinh viên có đam mê được học và làm ngoại giao. Với định hướng rõ ràng, các thế hệ sinh viên sau này đã vững tin hơn vào ngành và tìm thấy được cảm hứng trong việc học tập, hơn hết là tự tin khẳng định: “ai nói sinh viên khoa sử thì không làm được ngoại giao!”.

      >> Xem thêm đánh giá của sinh viên về trường Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Ngôi nhà Khoa Lịch sử thân yêu của biết bao thế hệ sinh viên Quốc tế học và Sư phạm Lịch sử (Nguồn: Khoa lịch sử - HCMUE)

      Điều 2. Mỗi học kỳ là một chuyến “phượt” đến lĩnh vực mới

      Ngành Quốc tế học ghi tên mình vào danh sách những ngành có chương trình học thú vị mà bạn không thể tìm thấy ở bất kỳ ngành học tự nhiên hay xã hội đơn thuần khác. Sinh viên cần đạt tổng cộng 136 tín chỉ trong suốt 4 năm, vậy mỗi học kỳ trung bình bạn học 17 tín chỉ nhưng sự thật, có học kỳ bạn phải học vượt vì không phải lúc nào học phần đó cũng mở vào đúng thời điểm.

      Có thể bạn đã biết, dù bạn học ngành nào thì các học kỳ đầu luôn phải đương đầu với hàng loạt các môn đại cương, lý luận khá khô khan như chủ nghĩa Mác-lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh hay thậm chí là pháp luật đại cương, kinh tế học… Nhưng chưa dừng lại ở đó, Quốc tế học còn có “đặc sản” là hơn 10 môn lịch sử từ cổ đại đến hiện đại, tư tưởng lịch sử sẽ dần trở nên thấm nhuần trong bạn từ lúc nào chẳng hay.

      Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Học Sử là một cái thú mà ít sinh viên ngành nào được trải nghiệm (Nguồn: Lozi)

      Bên cạnh lịch sử, tiếng Anh chuyên ngành cũng là môn có nhiều học phần kéo dài từ học kỳ thứ hai đến tận khi tốt nghiệp vì tầm quan trọng của nó. Và còn nhiều môn học lạ khác như môi trường và phát triển bền vững, nhân học, cơ sở văn hóa… có thể bạn nghĩ chúng không cần thiết cho công việc sau này nhưng lại mang đến cho sinh viên kiến thức đa dạng, góc nhìn khác về mọi sự việc.

      Khi đã vượt qua những môn học đó, bạn sẽ được tiếp cận với các môn chuyên ngành về lĩnh vực ngoại giao. Chỉ cần nghe tên thôi là bạn đã thấy được một bầu trời kiến thức rộng lớn, tiêu biểu phải kể đến các môn như quan hệ quốc tế, địa chiến lược và địa chính trị, an ninh và xung đột, thể chế chính trị thế giới, công pháp và tư pháp…

      Điều 3. Học ngoại giao chính là sự giao thoa giữa cái cũ và cái mới

      Không giống như nhiều lĩnh vực khác, ngoại giao không có gì gọi là khái niệm rõ ràng, mọi chủ thể trong hoạt động ngoại giao sẽ thay đổi theo không gian, thời gian. Mọi kiến thức bạn tích lũy được sẽ xuất phát từ kinh nghiệm ngoại giao thực tế, truyền thống đối ngoại từ xưa đến nay và từ đó bạn sẽ tiếp tục phát huy, thể hiện khả năng tư duy chuyên môn để nhận định các sự kiện, vấn đề của thời đại mới.

      Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Học ngoại giao không chỉ nắm bắt xu thế của thế giới mà phải hiểu vấn đề từ cốt lõi (Nguồn: cdxc3)

      Trong quá trình học, sinh viên sẽ được học kiến thức một cách hệ thống, đi từ nền tảng cơ bản về chính sách đối ngoại, giải thích các sự kiện đã xảy ra cho đến cập nhật những thay đổi và lồng ghép kiến thức chuyên môn vào thực tế. Nói cách khác là, khi bạn nắm được cội nguồn của vấn đề thì sẽ hiểu nguyên nhân nó xảy ra và tìm được hướng giải quyết phù hợp với tình thế hiện tại.

      Bạn đã sẵn sàng để học các môn chuyên ngành chưa? Bật mí rằng nhiều môn sẽ đòi hỏi ở bạn sự nhạy bén, thông minh để thuyết trình và trao đổi ý kiến ngay tại lớp. Hơn thế nữa, kỳ thi kết môn cũng gian nan không kém, nếu thi tự luận thì sẽ là những câu hỏi "lạ hoắc" như chưa từng nghe qua nhưng thực chất là đánh đố sự suy luận. Nếu thi vấn đáp, bạn sẽ bốc thăm câu hỏi trong nội dung học nhưng câu hỏi thêm mới quyết định “được ăn cả, ngã về không”.

      Điều 4. Nói không với học thụ động, sinh viên phải “đa-zi-năng”

      Tên gọi các môn học kể trên sẽ khiến bạn nghĩ rằng quá trình học sẽ rất áp lực và nhàm chán. Thực tế, theo đánh giá của sinh viên ngành này, chương trình đúng là khó thật nhưng bạn sẽ được trải nghiệm nhiều cách học mới lạ, không chỉ là nghe giảng, nhìn slide trên màn hình và ghi chép hí hoáy như bạn thường thấy ở nhiều sinh viên trường khác.

      Nếu bạn đã nghe lời truyền miệng từ bậc anh chị đi trước thì sẽ biết nên chuẩn bị tâm lý khi được dạy bởi những thầy cô hết sức thú vị. Bạn sẽ “may mắn” được học môn Địa lý kinh tế thế giới với hình thức là tổ chức các gian hàng trang trí theo phong cách đặc trưng của các nước hay làm bài tập trực tiếp trên mạng xã hội Google+.

      Với môn Môi trường và phát triển, bạn sẽ được nghe nhiều câu chuyện thú vị từ chủ đề này sang chủ đề khác trong suốt thời gian học. Hiển nhiên là, cuối kỳ bạn chẳng cần học gì nhiều, thay vào đó là phải tự quay một đoạn video clip tầm 30 phút kể về câu chuyện bảo vệ môi trường.

      Nếu không nhắc đến môn học PR – truyền thông sự kiện là một sự thiếu sót lớn. Đây là môn học được đánh giá rất cao không chỉ về kiến thức mà còn là trải nghiệm thực tế, sinh viên sẽ thi cuối khóa với hình thức tổ chức một buổi họp báo giả định với sự đầu tư nghiêm túc từ thuê địa điểm đến làm banner, poster, mời khách tham dự… Giáo viên chấm điểm dựa trên thành quả cuối cùng và không có bất kỳ sự thiên vị nào.

      Còn nhiều môn học thú vị khác đang chờ đợi bạn đến trải nghiệm tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM đấy. Hơn hết, nếu bạn muốn một môi trường năng động hơn thì có thể chọn tham gia một vài hoạt động thường niên của khoa như ngày hội truyền thống, giao lưu, văn nghệ… hoặc một vài hội nhóm tình nguyện, trao đổi sinh viên tại trường. Đây sẽ là cơ hội tốt để bạn tích lũy các mối quan hệ và có thêm nhiều niềm vui trong suốt quãng đời sinh viên.

      Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Ngành học này không hề khô khan như bạn nghĩ, khoa luôn tạo cơ hội cho các bạn sinh viên được phô diễn tài năng của bản thân (Nguồn: Khoa lịch sử - HCMUE)

      Điều 5. Đón đầu nhiều cơ hội mới – học một ngành làm nhiều ngành

      Có lẽ câu hỏi mà nhiều bạn quan tâm nhất là học ngành này thì ra trường sẽ làm công việc gì? Đây là thắc mắc không chỉ của riêng ai, từ thí sinh sắp thi THPT cho đến phụ huynh, thậm chí nhiều sinh viên nếu không thực sự có đam mê, định hướng thì cũng dễ hoang mang khi sắp ra trường.

      Ngay từ ban đầu, định hướng của trường là đào tạo ra những cử nhân có kiến thức về lĩnh vực ngoại giao, mục đích là sau khi ra trường sẽ đảm nhận những công việc về đối ngoại trong cơ quan nhà nước, tư nhân hoặc có thể giảng dạy tại các học viện, các trường đại học đào tạo về quan hệ quốc tế.

      Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên của ngành đều có đam mê làm ngoại giao vì trong chương trình, sinh viên được học nhiều kiến thức để có thể đảm nhận nhiều công việc, vị trí khác nhau. Có thể nói, kiến thức trong 4 năm học sẽ cho bạn một nền tảng vững chắc, những kỹ năng cần thiết để đáp ứng tiêu chí của nhiều ngành nghề. Nhất là trong thời đại hội nhập hiện nay, kiến thức đa ngành luôn là điều mà nhiều công ty tìm kiếm ở những người trẻ.

      Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Sinh viên Quốc tế học là những bạn trẻ năng động, chủ động học hỏi kiến thức mới (Nguồn: tapchithoitrangtre)

      Minh chứng là nhiều cựu sinh viên của ngành tốt nghiệp nhiều năm trước đã rất thành công, có người theo đúng ngành, có người chọn con đường khác như du học, nghiên cứu, kinh doanh hay làm vị trí nhân viên cho các công ty, tập đoàn lớn. Dù chọn công việc gì, những anh chị đó hiện tại đã có chỗ đứng nhất định trong ngành nghề, quyết định chọn ngành Quốc tế học ngay từ đầu có thể là một quyết định sáng suốt để tạo dựng tương lai cho bản thân.

      >> Top các trường đại học có cơ hội việc làm cao nhất tại TP HCM

      Đại học Sư Phạm TP.HCM

      Các anh chị đã tốt nghiệp thường được mời về để chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn mới (Nguồn: Khoa lịch sử - HCMUE)

      Với 5 điều thú vị được chia sẻ trong bài viết này, nếu bạn có dự định chọn ngành Quốc tế học của trường Đại học Sư Phạm TP.HCM thì nên chuẩn bị ngay từ bây giờ. Điểm chuẩn đầu vào của ngành những năm nay đang dao động ở tầm trung và có xu hướng tăng dần qua các năm, hãy nhanh chân giành lấy cho mình một vị trí bằng tất cả sự cố gắng nhé. Chúc bạn thành công!

      >>Giải đáp nhanh thông tin hướng nghiệp 2020 tại đây

      Quang Vinh


      Có thể bạn quan tâm

      Tuyển Sinh Đại Học - Cao Đẳng

      Đại học Sư Phạm TP.HCM: những “bí mật” được “bật mí”

      09/03/2020

      Bạn vừa trải qua kỳ thi THPT Quốc gia 2018 đầy cam go, giờ là lúc bạn quyết định sẽ chọn ngôi ...

      Tuyển Sinh Đại Học - Cao Đẳng

      Những điều nổi bật của trường Đại Học Sư Phạm TP.HCM

      10/03/2020

      Những điểm đặc biệt về ĐH Sư Phạm TP.HCM mà bạn cần biết. Có thể bài này sẽ trả lời được câu hỏi ...

      Tuyển Sinh Đại Học - Cao Đẳng

      Đại học 2 giai đoạn: Hướng đi mới cho thí sinh nếu không trúng tuyển đại học

      25/08/2023

      Nếu không trúng tuyển đại học, hướng đi mới từ chương trình đại học 2 giai đoạn của ĐH Văn Hiến ...

      Tuyển Sinh Đại Học - Cao Đẳng

      10 ưu thế và đặc quyền khi là sinh viên Đại học Văn Hiến

      31/07/2023

      Trở thành sinh viên của Đại học Văn Hiến, bạn sẽ nhận được 10 đặc quyền “xịn xò” về học bổng, học ...